Ung thư đang trở thành căn bệnh không lây nhiễm gia tăng rất nhanh hàng năm tại Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 115,000 người tử vong (WHO 2018) do các bệnh ung thư phổ biến như: phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng, và gan…
Chính vì vậy việc tầm soát ung thư sớm là rất quan trọng. Trong bài viết này, Vietnutri sẽ gửi đến bạn hướng dẫn tầm soát ung thư sớm của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ và Việt Nam, kèm với các địa chỉ uy tín để bạn lựa chọn.
Tầm soát ung thư sớm là gì
Tầm soát ung thư là một tập hợp các xét nghiệm sàng lọc được sử dụng để phát hiện ung thư trước khi một người có bất kỳ triệu chứng ung thư nào. Tầm soát ung thư có thể được thực hiện thông qua xét nghiệm máu, nước tiểu, các xét nghiệm khác, hoặc thông qua chẩn đoán hình ảnh.
Lợi ích cuẩ tầm soát ung thư là phát hiện sớm để phòng chống ung thư, có kế hoạch chăm sóc, theo dõi sức khỏe và chuẩn bị định hướng điều trị, giúp tăng cơ hội chiến thắng ung thư của mỗi người.
Một số bệnh ung thư ở phổi, vú, cổ tử cung và ung thư đại tràng (ruột kết) khi được tầm soát và phát hiện sớm có thể tăng khả năng điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Tầm soát ung thư phổi được khuyến khích cho những người có nguy cơ cao.
Theo CDC Hoa Kỳ, việc tầm soát các bệnh ung thư khác như: ung thư buồng trứng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, tinh hoàn, và tuyến giáp đã không được chứng minh là làm giảm tử vong do những bệnh này. Và cũng chưa có đủ bằng chứng để đánh giá sự cân bằng giữa lợi ích và tác hại của việc tầm soát ung thư bàng quang, ung thư miệng và khám da để tầm soát ung thư da ở người trưởng thành.
Table of Contents
Hướng dẫn tầm soát ung thư sớm
Một số hướng dẫn của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ về tầm soát ung thư sớm dựa trên các xét nghiệm sàng lọc. Những thông tin này sẽ giúp bạn có thể đi đúng hướng với một lịch trình tầm soát ung thư phù hợp.
Hướng dẫn tầm soát ung thư vú
- Phụ nữ trong độ tuổi 20 – 30: Nên bắt đầu tầm soát ung thư vú bằng cách tự khám, khám chuyên khoa 3 năm/lần.
- Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi: nên có lựa chọn bắt đầu tầm soát ung thư vú bằng cách chụp X-quang vú, siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh hàng năm.
- Phụ nữ từ 45 đến 54 tuổinên chụp nhũ ảnh hàng năm.
- Phụ nữ từ 55 tuổi trở lênnên chuyển sang chụp X-quang tuyến vú 2 năm một lần, hoặc có thể tiếp tục tầm soát hàng năm.
- Việc khám sàng lọc nên tiếp tục miễn là một phụ nữ có sức khỏe tốt và dự kiến sẽ sống thêm được 10 năm hoặc lâu hơn.
- Tất cả phụ nữnên nắm rõ những lợi ích, hạn chế và tác hại tiềm ẩn của việc tầm soát ung thư vú. Chụp X-quang vú và siêu âm vú ngay khi có triệu chứng bất thường ở vú như sờ thấy khối rắn, co kéo da hay núm vú, tiết dịch ở núm vú, màu da vú thay đổi…
Mỗi người phụ nữ nên biết các dấu hiệu của vú bình thường và thông báo bất kỳ thay đổi nào ở vú cho bác sĩ để có thể kiểm tra và can thiệp sớm. Yếu tố nguy cơ cao gồm: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, có kinh nguyệt sớm (trước năm 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc dùng Estrogen thay thế, không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi, có chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật, có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia…
Một số phụ nữ có tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền hoặc một số yếu tố khác nên được kiểm tra bằng MRI kèm với chụp X-quang tuyến vú (tỷ lệ thấp). Và bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và kế hoạch tầm soát tốt nhất cho bạn.
Hướng dẫn tầm soát polyp và ung thư đại tràng, trực tràng
Đối với những người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng trung bình, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên bắt đầu tầm soát thường xuyên ở tuổi 45. Điều này có thể được thực hiện bằng một xét nghiệm nhạy cảm để tìm các dấu hiệu ung thư trong phân của một người (xét nghiệm phân) hoặc với khám đại tràng và trực tràng (xét nghiệm trực quan hình thái cấu trúc đại, trực tràng) dựa vào nội soi, chụp X-quang, MRI, hoặc chụp cắt lớp, xét nghiệm máu.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những xét nghiệm tốt cho bạn. Nếu sức khỏe tốt, bạn nên tiếp tục tầm soát thường xuyên cho đến 75 tuổi.
Đối với những người từ 76 đến 85 tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ để xem xét việc tiếp tục khám sàng lọc có phù hợp với bạn hay không. Khi quyết định, hãy tính đến mong muốn của bạn, sức khỏe tổng thể và tiền sử tầm soát trong quá khứ.
Những người trên 85 tuổi không nên tầm soát ung thư đại trực tràng nữa.
Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung
- Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ tuổi 25. Những người dưới 25 tuổi không nên xét nghiệm vì ung thư cổ tử cung rất hiếm ở nhóm tuổi này.
- Những người trong độ tuổi từ 25 đến 65 nên làm xét nghiệm HPV (vi rút u nhú ở người) được thực hiện 5 năm một lần. Nếu không có xét nghiệm HPV riêng lẻ thì xét nghiệm đồng thời (xét nghiệm HPV với xét nghiệm Pap) 5 năm một lần hoặc xét nghiệm Pap 3 năm một lần vẫn là những lựa chọn tốt.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là thường xuyên kiểm tra sức khỏe, bất kể bạn nhận thực hiện xét nghiệm nào.
- Những người trên 65 tuổi đã tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì không nên tiếp tục xét nghiệm ung thư cổ tử cung. Những người có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung nghiêm trọng nên tiếp tục xét nghiệm trong ít nhất 25 năm sau khi chẩn đoán, ngay cả khi đã qua 65 tuổi.
- Những người bị phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung vì lý do không liên quan đến ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư nghiêm trọng không nên xét nghiệm.
- Những người đã được chủng ngừa HPV vẫn nên tuân theo các khuyến nghị sàng lọc cho các nhóm tuổi của họ.
Một số cá nhân – do tiền sử sức khỏe của họ (nhiễm HIV, cấy ghép nội tạng, phơi nhiễm với diethylstilbestrol DES trước khi sinh, v.v.) – có thể cần một lịch trình tầm soát ung thư cổ tử cung khác. Nói chuyện với bác sĩ về tiền sử y khoa của bạn.
Hướng dẫn tầm soát ung thư nội mạc tử cung
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng vào thời kỳ mãn kinh, tất cả phụ nữ nên được thông báo về các nguy cơ và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Phụ nữ nên báo cho bác sĩ biết bất kỳ hiện tượng ra máu hoặc ra máu bất ngờ nào ở âm đạo.
Một số phụ nữ – do tiền sử của họ – có thể cần xem xét sinh thiết nội mạc tử cung hàng năm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về tình trạng sức khỏe của bạn.
Hướng dẫn tầm soát ung thư phổi
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng chụp CT liều thấp (LDCT) cho một số người có nguy cơ cao bị ung thư phổi đáp ứng các điều kiện sau:
- Tuổi từ 55 đến 74, sức khỏe khá và
- Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong 15 năm qua và
- Có tiền sử hút thuốc ít nhất 30 năm. (1 gói mỗi ngày trong 30 năm, hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm)
Ngoài ra nếu bạn có các triệu chứng sau đây thì nên đi tầm soát ung thư phổi ngay: Ho kéo dài, ho ra máu, Đau tại một vùng của ngực, Thay đổi giọng nói, Khò khè, Mệt mỏi thường xuyên, Đau khi nuốt.
Trước khi được sàng lọc, bạn nên trao đổi với bác sĩ về: Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, Làm thế nào bạn có thể bỏ thuốc lá, Những lợi ích, giới hạn và tác hại có thể có của việc tầm soát ung thư phổi, Nơi bạn có thể được sàng lọc.
Lưu ý: chụp X-quang phổi không giúp phát hiện ung thư phổi sớm
Tần suất tầm soát ung thư phổi
Tần suất lặp lại xét nghiệm tầm soát ung thư phổi sẽ tùy thuộc vào sự phát hiện các nốt trên phổi trong lần tầm soát đầu tiên hoặc trước đó. Bạn có thể lưu ý tần suất như sau dựa trên kết quả chụp LDCT:
- Không phát hiện nốt nào hoặc nốt £ 4mm: tầm soát lại 1 lần mỗi năm
- Kích thước nốt dưới 5 mm: Làm lại LDCT sau 12 tháng
- Không phải nốt đặc, kích thước 5 đến 10 mm: Làm lại LDCT sau 6 tháng
- Kích thước nốt > 10mm: Làm lại LDCT sau 3 đến 6 tháng
- Nốt đặc hoặc 4.1 – 6 mm: Làm lại LDCT sau 6 tháng
- Một phần nốt đặc, hoặc 6.1 – 8 mm: Làm lại LDCT sau 3 tháng
- Nốt > 8mm: xem xét làm PET/CT
Hướng dẫn tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới nên đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt hay không. Nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được rằng lợi ích tiềm năng của việc xét nghiệm lớn hơn tác hại của việc xét nghiệm và điều trị.
Hiệp Hội tin rằng nam giới không nên xét nghiệm mà không tìm hiểu trước về những gì y học biết và chưa biết về những rủi ro và lợi ích có thể có của việc xét nghiệm và điều trị.
Bắt đầu từ tuổi 50, nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những ưu và nhược điểm của xét nghiệm để bạn có thể quyết định xem xét nghiệm có phải là lựa chọn phù hợp hay không.
Nếu bạn là người Mỹ gốc Phi hoặc có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi, bạn nên nói chuyện này với bác sĩ từ năm bạn 45 tuổi.
Nếu bạn quyết định làm xét nghiệm, bạn nên làm xét nghiệm máu PSA có hoặc không có khám trực tràng. Tần suất bạn được kiểm tra sẽ phụ thuộc vào mức PSA của bạn.
Tầm soát ung thư tuyến giáp sớm
Nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp có thể được phát hiện sớm khi đến gặp bác sĩ vì các khối u hoặc nốt sần ở cổ, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi làm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chup CT để kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác.
Xét nghiệm máu hoặc siêu âm tuyến giáp có thể giúp tìm thấy những thay đổi bất thường trong tuyến giáp, nhưng những xét nghiệm này không được khuyến khích sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc trừ khi một số người có nguy cơ gia tăng như tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp.
Tầm soát ung thư buồng trứng sớm
Chỉ khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Khi được phát hiện sớm, khoảng 94% bệnh nhân ung thư buồng trứng sống lâu hơn 5 năm sau khi chẩn đoán.
Cách phát hiện sớm ung thư buồn g trứng
Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ cảm nhận buồng trứng và tử cung cả về kích thước, hình dạng và độ đồng nhất. Khám hình thái kết hợp với siêu âm qua ngả âm đạo có thể giúp phát hiện có khối u trong buồng trứng, nhưng khó phát hiện là ung thư hay lành tính.
Các xét nghiệm CA-125 trong máu đo lượng protein CA-125, như là một chất chỉ điểm khối u trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng. Trong xét nghiệm sàng lọc, CA-125 không hữu ích trong tầm soát ung thư buồng trứng, bỏi vì nồng độ chất này có thể cao do bênh lạc nội mạc tử cung và viêm vùng chậu. Không phải ai bị ung thư buồng trứng cũng có mức CA-125 cao. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy CA-125 cao bất thường, bác sĩ sẽ cho bạn làm siêu âm qua ngả âm đạo để đảm bảo kết quả là chính xác.
Có thể tầm soát ung thư gan sớm được không?
Theo Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, rất khó phát hiện sớm ung thư gan vì các dấu hiệu và triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi bệnh ở giai đoạn sau. Các khối u gan nhỏ khó phát hiện khi khám sức khỏe vì phần lớn gan được bao phủ bởi khung xương sườn bên phải. Vào thời điểm khối u có thể được sờ thấy, nó có thể đã khá lớn.
Hiện nay, vẫn chưa có xét nghiệm sàng lọc ung thư gan nào được khuyến cáo rộng rãi ở những người có nguy cơ trung bình. (Tầm soát có nghĩa là xét nghiệm ung thư ở những người không có triệu chứng hoặc tiền sử ung thư.) Nhưng xét nghiệm có thể được khuyến nghị cho một số người có nguy cơ cao hơn.
Xét nghiệm kiểm tra những người có nguy cơ bị ung thư gan cao
Nhiều bệnh nhân xơ gan lâu năm có thể tiến triển đến ung thư gan. Đối với những người có nguy cơ bị ung thư gan cao như xơ gan (do bất kỳ nguyên nhân nào), bệnh huyết sắc tố di truyền, hoặc nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính, một số chuyên gia khuyên nên tầm soát ung thư gan bằng xét nghiệm máu và siêu âm alpha-fetoprotein (AFP) định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
AFP là một loại protein có thể đo được trong máu của bệnh nhân ung thư gan. Nhưng đây vẫn chưa phải là xét nghiệm hoàn hảo để chẩn đoán ung thư gan. Bởi vì rất nhiều bệnh nhân ung thư gan giai đoạn đầu có mức AFP bình thường. Ngoài ra, nồng độ AFP có thể tăng lên do các loại bệnh ung thư khác hoặc các bệnh khác không phải ung thư.
Ung thư dạ dày có thể được phát hiện sớm không?
Trên thế giới hiện vẫn chưa có bất kỳ tiêu chuẩn nào để tầm soát sớm ung thư dạ dày. Ngoại trừ các quốc gia Đông Á và Nam Mỹ, việc tầm soát ung thư sớm bao gồm cả ung thư dạ dày vì loại bệnh này phổ hiển hơn.
Ở Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong 5 loại ung thư thường gặp nhất, năm 2018 có đến hơn 15,000 ca từ vong vì căn bệnh này. Hiện nay, việc phát hiện ung thư dạ dày sớm được quan tâm nhiều, qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nội soi dạ dày, chụp CT và sinh thiết.
Những đối tượng có nguy cơ cao, được khuyến khích nên tầm soát sớm ung thư dạ dày bao gồm: hút thuốc lá, nam giới trên 40 tuổi, chế độ ăn uống nhiều chất béo, chiên, nướng, hoặc những người có tiền sử bệnh dạ dày (phẫu thuật dà dày, nhiễm HP, viêm loét dạ dày lâu năm), di truyền…
Tầm soát ung thư sớm ở khoang miệng và vòm họng
Không có tiêu chuẩn để tầm soát ung thư khoang miệng và vòm họng sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng việc vệ sinh răng miệng, theo dõi cảm quan hình ảnh hầu họng hoặc thăm khám nha sĩ, bác sĩ tai mũi họng có thể giúp phát hiện sớm các bất thường.
Một số xét nghiệm có thể dùng để kiểm tra các bất thường liên quan đến ung thư vùng đầu cổ bao gồm:
- Kiểm tra toàn bộ đầu cổ: xem xét các bất thường, sưng tấy, hạch ở cổ…
- Nội soi họng và thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp
- Nội soi mũi, hầu họng có gây mê toàn thân
- Sinh thiết
- Xét nghiệm tế bào học
- Chụp X-Quang, chụp cắt lớp CT, quét xương hoặc siêu âm…
Có thể phát hiện sớm khối u não và tủy sống ở người lớn không?
Tại thời điểm này, không có xét nghiệm nào được khuyến nghị rộng rãi để tầm soát các khối u não và tủy sống. Những người có hội chứng di truyền như u xơ thần kinh hoặc xơ cứng củ sẽ khiến họ có nguy cơ cao bị u não, và bác sĩ khuyên nên khám sức khỏe thường xuyên, và làm các xét nghiệm từ khi họ còn trẻ. Trong một số trường hợp, các xét nghiệm này có thể tìm thấy các khối u nhỏ, tuy nhiên, nó có thể không cần được điều trị ngay lập tức, chỉ cần theo dõi và điều trị nếu chúng bắt đầu phát triển hoặc gây ra vấn đề.
Tương tự như khối u não, ung thư xương cũng chưa có xét nghiệm đặc biệt nào để tầm soát sớm. Cách tốt nhất để tầm soát sớm ung thư xương là đi khám ngay nếu bạn có các dấu hiệu đau, sưng, gãy xương đột ngột.
Tầm soát ung thư ở đâu tốt? Chi phí các gói tầm soát ung thư và bảo hiểm
Địa chỉ tầm soát ung thư tốt nhất ở Tp HCM
Tầm soát các bệnh ung thư phổ biến tại các bệnh viện uy tín: Ung Bướu TP HCM, 115, BV Đại học Y Dược Tp HCM, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy, Hòa Hảo. Chi phí từ 1.1 đến 1.4 triệu đồng cho gói khám sức khỏe tổng quát, và 3 đến 11.7 triệu với gói tầm soát ung thư tổng quát. Hoặc tầm soát ung thư vú và phụ khoa tại bệnh viện Từ Dũ.
Các phòng khám có gói tầm soát ung thư uy tín gồm: phòng khám Yersin, Victoria Healthcare, phòng khám đa khoa quốc tế Exson, hệ thống phòng khám CarePlus, với các gói tầm soát ung thư theo bệnh hoặc theo giới, chi phí từ 1 – 3.3 triệu đồng.
Các bệnh viện quốc tế như FV, Vinmec, Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn, cũng là những nơi tầm soát ung thư uy tín với đầy đủ các gói tầm soát sàng lọc ung thư vú, phổi, đại trực tràng, với nhiều mức giá khác nhau để bạn lựa chọn phù hợp theo nhu cầu.
Địa chỉ tầm soát ung thư tốt nhất ở Hà Nội
Tuyến bệnh viện: Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội, Quân đội 108, Ung bướu Hưng Việt, Đa khoa quốc tế Thu Cúc, bệnh viện K, Medlatec, bệnh viện truyền máu huyết học trung ương, BV Đại Học Y Hà Nội, bệnh viện Hồng Ngọc.
Địa chỉ tầm soát ung thư tốt nhất ở Đà Nẵng
Bạn ở khu vực Đà Nẵng có thể tầm soát ung thư tại phòng khám Medic Sài Gòn (Đà Nẵng), bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ…
Địa chỉ tầm soát ung thư tốt nhất ở Bình Dương
Bạn có thể mua các gói tầm soát ung thư cho nam, nữ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, Medic Bình Dương, Phụ Sản Nhi Bình Dương, Khoa Ung Bướu bệnh viện Đa Khoa Bình Dương, Quốc Tế Hạnh Phúc
Những câu bạn cần hỏi bác sĩ khi tầm soát ung thư sớm
Các xét nghiệm sàng lọc được sử dụng để tìm ung thư ở những người không có triệu chứng. Tầm soát làm tăng cơ hội phát hiện sớm một số bệnh ung thư, khi chúng còn nhỏ, chưa di căn và có thể dễ điều trị hơn.
Khi bạn nghĩ về việc bắt đầu khám sàng lọc hoặc làm điều chỉnh tần suất các xét nghiệm sàng lọc trở lại đúng tiến độ, đây là một số câu hỏi bạn có thể hỏi bác sĩ của mình:
- Những xét nghiệm tầm soát ung thư nào được khuyến nghị cho những người ở độ tuổi của tôi?
- Tôi nên làm xét nghiệm sàng lọc bao lâu một lần?
- Tôi có cần gặp thêm bác sĩ chuyên khoa nào để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc không?
- Tôi nên làm xét nghiệm sàng lọc nào đầu tiên?
- Tôi có phải đi khám ngay không hay tôi có thể đợi?
- Nếu tôi bỏ qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ thì có hại gì không?
- Tôi có thể đi khám ở đâu?
- Rủi ro và lợi ích của việc khám sàng lọc ngay bây giờ so với việc trì hoãn cho đến sau này, dựa trên tiền sử cá nhân và gia đình, các yếu tố nguy cơ và thời điểm tôi nên làm xét nghiệm sàng lọc cuối cùng?
- Có xét nghiệm sàng lọc nào mà tôi có thể làm tại nhà không?
- Các xét nghiệm sàng lọc của tôi có được bảo hiểm y tế chi trả không?
- Chi phí của các gói tầm soát sàng lọc ung thư là bao nhiêu?
- Khi nào tôi sẽ nhận được kết quả xét nghiệm sàng lọc và ai sẽ là người đọc kết quả cho tôi?
- Tôi có cần phải quay lại gặp bác sĩ vào một cuộc hẹn khác để tìm hiểu kết quả không?
- Điều gì xảy ra nếu kết quả cho thấy tôi có dấu hiệu ung thư?
Đây là những ví dụ để giúp bạn đưa ra câu hỏi của riêng mình về việc bắt đầu hoặc quay lại tầm soát ung thư thường xuyên càng sớm càng tốt. Đồng thời, điều quan trọng cần nhớ là nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh ung thư hoặc nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ khác đưa bạn vào nhóm nguy cơ cao, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bạn cần làm gì khi có kết quả tầm soát ung thư sớm
Nếu kết quả tầm soát cho thấy bạn không có bất kỳ dấu hiệu nào, không có nguy cơ hoặc nguy cơ thấp thì chúc mừng bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý lối sống và thói quen ăn uống lành mạnh để duy trì sức khỏe tốt.
Nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao, việc cần làm là chú ý đi kiểm tra tầm soát định kỳ đúng thời hạn, hoặc thông báo với bác sĩ các thay đổi bất thường, nhằm có cách xử lý kịp thời. Ngoài ra, bạn nên bảo vệ mình và gia đình bằng các lối sống lành mạnh và mua các bảo hiểm y tế, và bảo hiểm ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo để dự trù tài chính cho bất kỳ trường hợp điều trị tốn kém nào có thể xảy ra.
Đừng bỏ qua:
- Top bảo hiểm bệnh hiểm nghèo tốt nhất Việt Nam 2021!
- Bộ 3 bảo vệ – Bảo hiểm fwd ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim – Kế hoạch trang trải chi phí điều trị!
- Thực phẩm tăng cường sức đề kháng và phòng chống ung thư
Nếu kết quả cho thấy bạn có dấu hiệu ung thư, hãy trao đổi với bác sĩ để có giải pháp điều trị đúng và sớm để có được hiệu quả tốt nhất. Tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh, thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Kiểm soát sức khỏe của bạn để giúp giảm nguy cơ ung thư
Những việc cần làm để có thể duy trì sức khỏe tốt, giảm nguy cơ bệnh tật và ung thư.
- Tránh xa tất cả các dạng thuốc lá.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Vận động thể chất thường xuyên.
- Ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả.
- Tốt nhất bạn không nên uống rượu. Nếu bạn uống rượu, không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới
- Bảo vệ làn da của bạn khỏi tia UV.
- Hiểu rõ bản thân, tiền sử gia đình và rủi ro của bạn.
- Đi khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư.